Đổ lỗi cho hoàn cảnh là thói quen xấu thường gặp trong quá trình phát triển bản thân – thể hiện khi ta tìm lý do viện cớ cho sai lầm của mình.
Trong hành trình phát triển cá nhân và nghề nghiệp, chúng ta thường không tránh khỏi thói quen xấu tự bào chữa – khi ta đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài, trốn tránh trách nhiệm hay tìm cách chống chế cho những thiếu sót của bản thân. Việc tìm hiểu về tật xấu này sẽ giúp mỗi người có cơ hội từ bỏ thói đổ lỗi – làm nền tảng vươn tới thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.
Tóm tắt nội dung chính
Đổ lỗi là hành động cố gắng biện minh cho những thiếu sót cá nhân/trốn tránh trách nhiệm bằng cách viện ra/ biện minh bằng những lý do sai trái – thay vì lời giải thích trung thực. Hành động này bắt nguồn từ mong muốn bảo vệ danh tiếng bản thân, né tránh xung đột, đối phó với nỗi sợ hãi, hoặc đơn giản là để trì hoãn việc bắt đầu một công việc cụ thể.
Trong số những nguyên nhân gây ra thói xấu bào chữa, xu hướng sống trong quá khứ – và lo sợ những điều chưa biết là một trong những lý do quan trọng hay bị bỏ qua nhất.
Tuy mang lại cảm giác nhẹ nhõm tạm thời, nhưng thói quen viện cớ – về lâu về dài – sẽ tác động xấu đến sự phát triển, thành tích và danh tiếng cá nhân, khiến ta mất đi khả năng chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Việc lặp lại thói quen xấu này – đặc biệt là tại nơi làm việc – sẽ khiến bạn trở thành “cái gai” trong mắt người khác, cũng như khiến bạn mất đi cơ hội thành công lâu dài.
Để thoát khỏi thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh và thay đổi chính mình, ta cần học cách thừa nhận thói xấu của mình, xác định các niềm tin hạn chế, chịu trách nhiệm, đặt mục tiêu, hình ảnh hóa thành công, tìm kiếm sự giúp đỡ và kiên trì vượt qua những rào cản của sự tự nghi ngờ. Mặt khác, khi gặp phải ai đó hay bào chữa, chúng ta nên chọn thời điểm thích hợp để trò chuyện trực tiếp, thể hiện sự đồng cảm, đưa ra phản hồi trung thực và hỗ trợ họ tìm ra giải pháp.
- Thế nào là đổ lỗi cho hoàn cảnh?
- Nguyên nhân xu hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh
- Bám víu vào quá khứ – Nguyên nhân sâu xa của thói đổ lỗi cho hoàn cảnh
- Vì sao nên ngừng đổ lỗi cho hoàn cảnh?
- Thói xấu đổ lỗi cho hoàn cảnh tại nơi làm việc
- Hãy ngừng đổ lỗi và biết nhận trách nhiệm
- Bước đầu ngừng đổ lỗi cho hoàn cảnh – Thay đổi cách suy nghĩ
- Bí quyết ngừng viện cớ và đổ lỗi cho hoàn cảnh
- Khi gặp phải ai đó hay biện minh
- Danh ngôn về đổ lỗi cho hoàn cảnh
- Sách về hành vi đổ lỗi
- Lời kết
Thế nào là đổ lỗi cho hoàn cảnh?
Bào chữa hay đổi lỗi cho hoàn cảnh là khi chúng ta đưa ra những lời biện minh sai lầm cho việc mình đã làm hoặc không hoàn thành một công việc/ nghĩa vụ cụ thể. Một ví dụ là khi bạn viện cớ quá bận rộn và từ chối hỗ trợ đồng nghiệp trong một dự án, trong khi lý do cơ bản chỉ đơn giản là do không muốn làm. Hoặc, bạn có thể rời một cuộc họp sớm với lý do đau đầu – trong khi thực tế là vì bạn không hứng thú với nội dung buổi họp đó.
Ngoại trừ một số trường hợp muốn tỏ ra lịch sự hoặc tôn trọng (thực tế khá hiếm), những lời bào chữa chủ yếu được sử dụng như một phương tiện để trốn tránh trách nhiệm giải trình, hoặc để khỏi cảm thấy “xấu hổ” đối với những việc ta đã làm/chưa làm. Chẳng hạn, nếu không hoàn thành công việc được giao, bạn có thể biện minh cho mình bằng những câu đại loại như: “Tôi không có đủ thời gian” hoặc “Tôi không hiểu phải làm cái gì.”
Nguyên nhân xu hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh
“Khả năng của chúng ta luôn lớn hơn sức mạnh ý chí – chính vì thói quen ngụy biện mà ta cho rằng bản thân không thể làm điều gì” – François de la Rochefoucauld.
Đã bao giờ bạn tự đặt câu hỏi: “Tại sao tôi lại có thói quen viện cớ?”
Xu hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh có nguồn gốc sâu xa từ hành vi của con người – xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là một số lý do phổ biến nhất:
– Trốn trách nhiệm: Việc tự bào chữa cho phép chúng ta quy trách nhiệm hành vi của mình cho người khác hoặc các yếu tố bên ngoài. Qua đó, chúng ta tìm cách bảo vệ lòng tự trọng của mình khỏi bị ảnh hưởng bởi cảm giác tội lỗi/ xấu hổ.
– Giữ gìn hình ảnh bản thân: Mỗi người đều mang trong mình những ý niệm cố hữu về bản thân/ con người mình muốn trở thành. Do đó, chúng ta dễ dàng đổ lỗi cho hoàn cảnh nhằm mục đích bảo vệ danh tiếng đó khỏi bị “hoen ố”. Ví dụ, những ai đánh giá quá cao tầm quan trọng của việc được nhìn nhận là siêng năng có thể viện lý do tự biện minh khi không hoàn thành công việc – chỉ để tránh bị người khác cho là lười biếng.
– Né tránh xung đột: Hành vi tự bào chữa đôi khi được sử dụng như một phương tiện để tránh xung đột. Thay vì bày tỏ suy nghĩ/ cảm xúc thực sự của mình, chúng ta có thể viện đến những lý do như bệnh tật để từ chối giúp đỡ mọi người.
– Đối phó với nỗi sợ hãi và lo lắng: Ngoài ra, những lời bào chữa còn có thể đóng vai trò là cơ chế đối phó với nỗi sợ hãi hoặc lo lắng, đặc biệt trong những tình huống liên quan đến thất bại/ thành công của bản thân. Ví dụ, nếu sợ trượt bài kiểm tra, chúng ta có thể viện cớ “Tôi không có đủ thời gian ôn tập” như một biện pháp phòng vệ, thay vì đối mặt trực tiếp với vấn đề.
– Thói quen trì hoãn (Procrastination): Viện cớ cũng là một dấu hiệu của xu hướng trì hoãn, để việc đến giờ chót. Chẳng hạn, nếu có một tuần để hoàn thành một bài báo, chúng ta có thể viện cớ như “quá bận” để trì hoãn việc bắt đầu công việc cho đến ngày cuối cùng.
Bằng cách nhận ra những động cơ cơ bản trên đây, mỗi người sẽ hình thành được nhận thức sâu sắc hơn về những động cơ phức tạp thúc đẩy hành vi của mình trong các lĩnh vực cuộc sống.
Bám víu vào quá khứ – Nguyên nhân sâu xa của thói đổ lỗi cho hoàn cảnh. “Mọi rối loạn đều có nguyên nhân sâu xa từ quá khứ mà ra” – Marshall Goldsmith.
Thói quen xấu đổ lỗi và bám víu vào quá khứ cùng chia sẻ một điểm chung – cả hai đều được sử dụng như cơ chế tự “phòng vệ” trước thực tế cuộc sống, và đều cản trở khả năng đón nhận sự thay đổi. Khi tự bào chữa, chúng ta cố gắng hợp lý hóa hành động hoặc cảm xúc của mình – bằng cách quy trách nhiệm cho các yếu tố/ hoàn cảnh bên ngoài.
Tương tự, xu hướng bám víu vào quá khứ bắt nguồn từ những bất mãn với hiện tại hoặc tương lai, khi ta tuyệt vọng níu kéo những ký ức hoặc cảm xúc đã qua. Tuy có những điểm khác biệt, cả hai hành vi trên đây đều gây cản trở không nhỏ đối với sự phát triển, học hỏi và tiến bộ của chúng ta.
Sau đây là một số lý do cơ bản đằng sau thói xấu đổ lỗi cho hoàn cảnh và tập trung vào quá khứ:
– Sợ hậu quả: Nguyên nhân trước nhất là nỗi sợ phải đối mặt với những hậu quả xảy ra do lựa chọn của chúng ta, tình trạng bất định của tương lai, hoặc nỗi đau do mất mát cá nhân.
– Xấu hổ: Cảm giác xấu hổ khi thừa nhận sai lầm, thất bại hoặc điểm yếu của bản thân khiến chúng ta dễ dàng viện đến những lời bào chữa hoặc sự kiện trong quá khứ như một “lá chắn” để chống lại việc tự phê bình bản thân. Thực tế, đây là một hệ quả của tính hiếu thắng – mong muốn chiến thắng và thành công bằng mọi giá, trong mọi hoàn cảnh, bất chấp hậu quả xảy ra.
– Định kiến/ cái tôi cá nhân: Hành vi chìm đắm trong quá khứ có thể bắt nguồn từ mong muốn níu lấy “bản sắc”, niềm tin hoặc thói quen đã được định hình bởi những trải nghiệm trước đây. Chính những định kiến này sẽ cản trở khả năng thích nghi và phát triển vượt lên con người hiện tại của mình.
– Muốn thoải mái: Ngay cả khi không thỏa mãn với những gì hiện có, chúng ta rất khó để cưỡng lại cảm giác thoải mái khi ở trong vùng an toàn (comfort zone) hiện tại – hệ quả là ta thường do dự khi cần phải thử nghiệm những gì mới mẻ.
Vì sao nên ngừng đổ lỗi cho hoàn cảnh?
“Người giỏi bào chữa hiếm khi giỏi việc gì khác” – Benjamin Franklin.
Các nhà tâm lý học phân loại hành vi đổ lỗi/ bào chữa là một hình thức “tự gây khó khăn cho bản thân”, về lâu dài sẽ tác động tiêu cực đến hiệu suất và động lực của mỗi người. Thói xấu đổ lỗi cho hoàn cảnh khiến ta chuyển hướng sự chú ý khỏi những khuyết điểm hoặc sai lầm của chính mình – để quy trách nhiệm cho các yếu tố bên ngoài.
Mặc dù một số có thể coi việc bào chữa là có lợi – qua việc cho phép họ giữ gìn lòng tự trọng và giảm bớt căng thẳng – song những lời biện minh và viện cớ như vậy sẽ cần phải xem xét lại, nếu chúng đang cản trở ta biết tự chịu trách nhiệm, hoàn thành mục tiêu hoặc học hỏi từ những thất bại của bản thân.
Hậu quả khi tự bào chữa và đổ lỗi cho hoàn cảnh:
– Cản trở sự phát triển cá nhân: Hành vi bào chữa ngăn cản chúng ta thừa nhận những sai lầm của mình – tước đi cơ hội phát triển và hoàn thiện bản thân. Ngoài ra, nó còn gây suy giảm kỹ năng phán đoán và ra quyết định, kìm hãm năng lực sáng tạo và chủ động trong mọi việc.
– Tự đặt ra giới hạn cho bản thân: Khi thường xuyên tìm lý do viện cớ, chúng ta vô tình củng cố những quan niệm tự giới hạn – làm suy yếu tiềm năng thực sự, gây xói mòn niềm tin vào chính mình.
– Giảm năng lực tự kiểm soát: Thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh khiến ta bị mất quyền kiểm soát đối với những gì xảy ra trong cuộc sống, cũng như các yếu tố bên ngoài tác động đến hành vi của mình. Qua thời gian, cảm giác bất lực và thiếu tự trọng sẽ trở thành một phần của ta.
– Tổn hại danh tiếng cá nhân và sự phát triển chuyên nghiệp: Hành vi viện cớ không chỉ tác động đến cách chúng ta nhìn nhận bản thân – mà còn cả cách người khác suy nghĩ về ta. Những lời bào chữa thiếu độ tin cậy, giá trị hoặc sự đồng cảm sẽ làm xói mòn lòng tin – chúng ngụ ý rằng bạn coi thường thời gian và sự tin tưởng của người khác dành cho mình, dẫn tới căng thẳng trong các mối quan hệ. Những người hay viện cớ thường sẽ nhận lại cái nhìn tiêu cực từ người khác, bị coi là lười biếng và không đáng tin cậy – gây cản trở cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp và phát triển cá nhân.
– Nuôi dưỡng thái độ tiêu cực: Theo thời gian, việc thường xuyên tự bào chữa sẽ khiến ta bỏ lỡ những cơ hội quý giá, sinh ra các phản ứng tiêu cực “mãn tính” như bất mãn, hối tiếc và bi quan.
“Vấn đề với những lời bào chữa là chúng sẽ trở nên khó tin sau khi được sử dụng một vài lần” – Scott Spencer.
Thói xấu đổ lỗi cho hoàn cảnh tại nơi làm việc
Đổ lỗi cho hoàn cảnh là một thói quen xấu thường thấy ở nơi làm việc – thể hiện dưới nhiều hình thức tinh vi khác nhau.
Một người quản lý có thể viện cớ đến muộn như sau: “Xin lỗi vì đã bỏ lỡ buổi hẹn ăn trưa của chúng ta. Trợ lý của tôi đánh dấu nhầm ngày trong lịch làm việc của tôi.”
Về cơ bản, mục đích của một lời bào chữa như vậy là nhằm chuyển hướng trách nhiệm ra khỏi bản thân – bằng cách quy nó cho sự kém cỏi của người khác.
Đây là một sai lầm rất tai hại trong lãnh đạo và quản trị. Không ai ngưỡng mộ một nhà quản lý về kỹ năng tự bào chữa của họ – và chắc chắn chẳng ai muốn đi khen ngợi ai đó về khả năng xoay chuyển tình thế bằng những lời biện hộ cả (trừ khi vì lý do nịnh hót hay muốn lấy lòng).
Trong một số tình huống tinh tế hơn, chúng ta đổ lỗi cho hoàn cảnh bằng cách “gán” những thiếu sót của mình cho những đặc điểm di truyền cố hữu, không thể thay đổi. Cụ thể, ta “hợp lý hóa” điều mình làm bằng cách viện ra những điểm tính cách đã “ăn sâu” vào con người mình – những khiếm khuyết cố hữu như:
“Tôi bẩm sinh là người thiếu kiên nhẫn.”
“Tôi luôn trì hoãn cho đến phút cuối cùng.”
“Tôi luôn hành động nóng nảy.”
“Kỹ năng quản lý thời gian của tôi rất tệ. Cả đồng nghiệp và vợ/chồng của tôi đã nhiều lần chỉ ra xu hướng lãng phí thời gian của tôi vào những dự án và cuộc thảo luận phù phiếm. Tôi cho rằng đó chính là con người thật của tôi.”
Thật ngạc nhiên thay, chúng ta rất thường xuyên bắt gặp những người thông minh và thành đạt tự đưa ra những nhận xét tiêu cực có chủ đích về bản thân. Nó trở thành một “loại hình nghệ thuật” tinh tế, khi họ vô tình phân loại bản thân dựa trên một khuôn mẫu nào đó – có thể là sự thiếu kiên nhẫn, nóng tính hoặc vô tổ chức. Sau đó, họ sử dụng những khuôn mẫu này để biện minh cho những hành vi không thể chấp nhận được của mình.
Sự thật là, việc duy trì những lời bào chữa này sẽ gây bất lợi cho sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của mỗi người. Nó giới hạn tiềm năng phát triển của chúng ta – cũng như cản trở khả năng vượt qua thử thách của cuộc sống và công việc. Bằng cách chấp nhận khả năng thay đổi và cải tiến, mỗi người sẽ có thể thoát khỏi những ràng buộc của thói quen đổ lỗi và phấn đấu để trở nên tốt hơn.
“99% thất bại đến từ thói quen tự bào chữa” – George Washington Carver.
Hãy ngừng đổ lỗi và biết nhận trách nhiệm
“Người liêm chính làm những gì họ nói họ sẽ làm. Những người khác sẽ tìm lý do cho hành động của họ” – Laura Schlessinger.
Năm 2004, khi Bill Clinton phát hành cuốn hồi ký nổi tiếng của mình, ông biết mình phải đề cập đến vụ bê bối với Monica Lewinsky đã làm tổn hại nhiệm kỳ thứ hai của ông. Thay vì tìm cách bào chữa hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, ông đã tự nhận trách nhiệm về mình – thừa nhận đó là một thất bại cá nhân, một cuộc đấu tranh nội tâm mà ông đã thua. Trong cuốn hồi ký, ông nhấn mạnh rằng bất kể tác động hay hoàn cảnh bên ngoài như thế nào – một khi đã trưởng thành, mỗi cá nhân phải biết tự nhận lỗi của mình.
Hành động của Clinton không chỉ vì điều ông đã làm là không thể bào chữa được. Đúng hơn, tự bào chữa/ viện cớ là hành vi hoàn toàn không có lý do chính đáng gì cả.
Mỗi khi bắt gặp bản thân đang nói những câu đại loại như: “Tôi xin lỗi đã đến muộn, nhưng tại tắc đường quá”, hãy tạm dừng ngay sau từ “xin lỗi”. Đổ lỗi cho giao thông là một lý do ngớ ngẩn – hoàn toàn không thể biện minh cho việc bạn đã khiến người khác phải chờ đợi. Đáng ra bạn phải bắt đầu lên đường từ sớm hơn.
Kết quả tồi tệ nhất là gì? Đến sớm và phải chờ thêm vài phút ngoài sảnh? Bạn có thực sự lo lắng về việc phải giải thích như sau: “Tôi xin lỗi đã đến sớm, nhưng tại vì tôi đi hơi sớm – và đường sá không kẹt như tôi nghĩ”?
Nếu mọi người đều hành động theo nguyên tắc như vậy, thì những lời bào chữa sẽ chẳng còn tác dụng gì cả.
Bước đầu ngừng đổ lỗi cho hoàn cảnh – Thay đổi cách suy nghĩ
Như đã đề cập phía trên, định kiến cá nhân là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến xu hướng tự bào chữa. Những định kiến như vậy thường bắt nguồn từ các sự kiện trong quá khứ, bắt nguồn từ thời thơ ấu. Những ký ức đó – bất kể đúng hay sai – đều khắc sâu vào tâm trí chúng ta, hình thành nên nền tảng cho những niềm tin/ kỳ vọng hạn chế về chính mình.
Chúng ta vô tình hành động theo những cách phù hợp với niềm tin tiêu cực của mình – chỉ để chứng minh những suy nghĩ đó là đúng.
Trong tác phẩm ‘What got you here won’t get you there‘, TS. Marshall Goldsmith – chuyên gia executive coaching hàng đầu thế giới – chia sẻ về câu chuyện cá nhân của chính ông. Ngay từ những năm đầu đời, mẹ ông đã không ngừng nói:
“Marshall, con rất thông minh. Con là cậu bé thông minh nhất ở Valley Station.” (bà thậm chí nói rằng tôi sẽ không chỉ vô được đại học – mà còn có thể lên cả bậc cao học!)
“Marshall, con không có kỹ năng về cơ khí, và con sẽ không bao giờ có bất kỳ kỹ năng cơ khí nào trong suốt quãng đời còn lại của mình.”
Theo TS. Goldsmith, có lẽ nguyên nhân sâu xa là vì bà muốn con mình sẽ không bao giờ thử sức với những công việc chân tay. Dù là thế nào đi nữa, hành động ‘in vết’ này đã dẫn đến tác động vô cùng sâu sắc.
Goldsmith không bao giờ được khuyến khích sửa xe hoặc học sử dụng các công cụ máy móc trong nhà. Không chỉ cha mẹ cho rằng ông thiếu năng khiếu về cơ khí – mà ngay cả bạn bè cũng nghĩ như vậy.
Ở tuổi 18, ông tham gia Bài kiểm tra năng lực cơ khí của Quân đội Hoa Kỳ và đạt vị trí thứ hai (tính từ dưới lên) trên toàn quốc. Điều này – vô hình chung – càng củng cố niềm tin hạn chế bản thân của ông.
Tuy nhiên, 6 năm sau, khi đang theo học bằng Tiến sĩ tại UCLA, TS. Goldsmith đã trải qua một biến cố thay đổi cuộc đời. Một trong những giáo sư của ông đã yêu cầu ông liệt kê những điểm mạnh và điểm yếu của mình.
Về điểm mạnh, ông tự tin liệt kê ra những kỹ năng như “nghiên cứu”, “viết”, “phân tích” và “trình bày”. Tuy nhiên, về điểm yếu, ông viết, “Tôi thiếu kỹ năng cơ khí, và tôi sẽ luôn như vậy.”
Vị giáo sư hỏi làm thế nào ông biết mình không có kỹ năng cơ khí – ông trả lời bằng cách chia sẻ câu chuyện cuộc đời và điểm số tồi tệ của bài kiểm tra quân đội trước đây.
“Kỹ năng toán học của anh thế nào?”
Goldsmith tự hào khoe về việc đã đạt điểm tuyệt đối (800) trong bài kiểm tra SAT Math 1. Vị giáo sư liền hỏi:
“Tại sao anh có thể giải các bài toán phức tạp, nhưng lại không thể xử lý các vấn đề máy móc đơn giản?”
Sau đó, ông hỏi tiếp, “Khả năng phối hợp mắt và tay của anh như thế nào?”
Goldsmith chia sẻ về sở trường đánh bi da – rằng nó đã giúp ông trang trải chi phí học đại học như thế nào.
Vị giáo sư đặt vấn đề, “Tại sao anh có thể bắn bi da nhưng lại không thể đóng đinh?”
Đó là lúc Goldsmith nhận ra rằng ông không bị khiếm khuyết di truyền gì cả. Đơn giản chỉ là suốt thời gian qua, ông đang sống theo những kỳ vọng mà ông đã tự lựa chọn chọn tin tưởng theo.
Không chỉ gia đình hay bạn bè đang củng cố suy nghĩ của ông. Cũng chẳng phải bài kiểm tra của Quân đội.
Đúng ra, chính ông là người đã luôn tự nói với bản thân, “Anh không thể làm điều này được!”. Ông nhận ra rằng – chừng nào còn tiếp tục tự nghi ngờ như vậy, điều đó sẽ trở thành sự thật.
Câu chuyện của ông Goldsmith là một minh chứng cho những tác động nguy hiểm của việc tự bào chữa và đổ lỗi cho hoàn cảnh. Lần tới khi bạn thấy mình thốt lên, “Tôi không giỏi…” hãy tạm dừng và hỏi, “Tại sao không chứ?”.
Chúng ta thường tránh phải thừa nhận hành vi đi trễ kinh niên của mình – vì nó đã trở thành thói quen lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời ta, và những người xung quanh đã chấp nhận điều đó. Điều tương tự cũng đúng đối với những thói quen xấu
khác của bản thân, chẳng hạn như phán xét người khác, công kích cá nhân hoặc giấu nghề/ từ chối chia sẻ thông tin.
Điều quan trọng là ta phải nhận ra rằng – đây không phải là những “đột biến” di truyền cố hữu. Chúng ta không được sinh ra với những đặc điểm này, bất kể chúng ta có lý do “hùng hồn” gì để tin vào điều đó đi nữa.
Tương tự như vậy, khi bạn chứng kiến một đồng nghiệp cố gắng trốn tránh trách nhiệm bằng cách nói: “Tôi không giỏi…”, hãy thách thức họ bằng một câu hỏi đơn giản: “Tại sao không chứ?”.
Khi có thể thoát khỏi cạm bẫy bào chữa cho bản thân, chúng ta sẽ mở ra cho mình cơ hội phát triển trong phần lớn mọi khía cạnh của cuộc sống. Bằng cách nhận trách nhiệm cá nhân và loại bỏ những giới hạn đã tự đặt ra cho mình, mỗi người có thể sẵn sàng để đạt được những tiến bộ đáng kể.
“Điều duy nhất đứng giữa bạn và ước mơ của bạn – đó là ý chí nỗ lực và niềm tin rằng bạn có thể biến nó thành hiện thực” – Joel Brown.
Bí quyết ngừng viện cớ và đổ lỗi cho hoàn cảnh
“Nếu bạn thực sự muốn, bạn sẽ làm. Không có lời bào chữa nào cả” – Bruce Nauman.
Thay đổi suy nghĩ và nhận trách nhiệm cá nhân là bước đi cần thiết để ngừng bào chữa và bắt đầu thay đổi chính mình. Dưới đây là một số bí quyết để mỗi người học cách ngừng đổ lỗi cho hoàn cảnh – và chịu trách nhiệm về cuộc sống của họ:
– Nhận biết và thừa nhận thói quen đổ lỗi:
Trước tiên, bạn cần dành thời gian để biên soạn một danh sách những lời bào chữa mà bản thân thường đưa ra – cũng như suy ngẫm về những động cơ chính đằng sau đó.
Một khi đã xác định được các tình huống phổ biến khi bạn có xu hướng trốn tránh trách nhiệm, đã đến lúc xem xét tính hợp lệ của các hành động của bạn. Hãy tự hỏi: liệu những lời bào chữa này có đúng không, hay chúng chỉ là những rào cản bạn tự áp đặt cho mình? Đánh giá xem những lời viện cớ đó có đang phục vụ bất kỳ mục đích mang tính xây dựng nào trong cuộc sống của bạn hay không.
– Xác định các niềm tin giới hạn bản thân:
Điều tiếp theo cần làm là tìm hiểu sâu hơn để phát hiện ra những niềm tin hạn chế đang cản trở tiến trình hướng tới mục tiêu cá nhân. Thách thức những niềm tin này – thay thế chúng bằng tư duy tích cực để hỗ trợ hành trình phát triển cá nhân, mở đường cho thành công.
– Thực hành trách nhiệm giải trình và tư duy cầu tiến:
Tư duy đóng vai trò quan trọng trong việc định hình hành động của chúng ta. Để bắt đầu từ bỏ thói quen bào chữa, trước tiên bạn cần tin vào khả năng cá nhân.
Mỗi trở ngại là cơ hội để phát triển – do đó, cần thể hiện thái độ cầu thị, tập trung vào giải pháp thay vì vấn đề. Chuyển hướng suy nghĩ từ những gì bạn không thể làm sang những gì bạn có thể – cũng như cách thức vượt qua thử thách hiện tại.
Mỗi chúng ta cần học cách làm chủ cuộc sống của mình và những lựa chọn bản thân đưa ra. Tránh đổ lỗi cho người khác hoặc hoàn cảnh bên ngoài về những thất bại hoặc thiếu sót của bạn. Thay vào đó, hãy thừa nhận những gì đã làm, học hỏi để cải thiện từ đó.
– Đặt mục tiêu SMART:
Bất cứ khi nào muốn viện cớ cho sai sót/ thất bại của mình, hãy tự nhắc nhở bản thân về mục tiêu đã thiết lập của bạn – lý do tại sao bạn khao khát đạt được chúng.
Cân nhắc chia nhỏ mục tiêu của bạn thành các nhiệm vụ nhỏ hơn, có thể thực hiện được. Cách tiếp cận này đảm bảo rằng bạn không cảm thấy nản lòng khi gặp khó khăn – cũng như cho phép theo dõi tiến trình và thành tích đạt được trong suốt quá trình.
– Sử dụng kỹ thuật hình ảnh hóa:
Bạn có thể thử hình ảnh hóa (visualize) bản thân đã hoàn tất mục tiêu đề ra tương tưởng mình đang đắm chìm trong những cảm xúc tích cực do thành tích đó mang lại. Việc thực hành kỹ thuật visualization sẽ góp phần tăng cường sự tự tin và khơi dậy động lực cần thiết để hành động.
– Tìm kiếm sự hướng dẫn:
Xác định những cá nhân (tốt nhất nằm trong mạng lưới quan hệ của bạn) đã đạt được những gì bạn mong muốn – hoặc đã vượt qua những thử thách tương tự. Học hỏi từ kinh nghiệm của họ để áp dụng lại cho chính bạn.
Việc trao đổi với một chuyên gia coaching/ mentoring hoặc một đối tác giải trình (accountability partner) sẽ cực kỳ có lợi để đẩy nhanh hành trình phát triển chuyên nghiệp – những người này sẽ giúp cung cấp sự hỗ trợ cần thiết và đảm bảo bạn biết tự chịu trách nhiệm về hành động của chính mình.
– Chấp nhận sự nghi ngờ bản thân như một chất xúc tác cho sự phát triển:
Tự nghi ngờ bản thân (self-doubt) là một phần tự nhiên của quá trình trưởng thành. Thay vì tỏ ra sợ hãi, hãy coi nó như động lực để cải thiện và vượt lên những niềm tin hạn chế.
– Hãy nỗ lực, đừng bào chữa:
Hành động là liều thuốc giải cho hành vi đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tránh nói chuyện đơn thuần – thay vào đó, hãy bắt đầu các việc làm có ý nghĩa, hướng tới mục tiêu của bạn. Sự tiến bộ chỉ có đạt được thể thông qua hành động nhất quán.
– Rèn luyện tính kiên nhẫn và học hỏi từ thất bại:
Cần lưu ý, từ bỏ thói quen viện cớ và đổ lỗi là một quá trình lâu dài, đòi hỏi đầu tư về thời gian và công sức. Đừng sợ thất bại; nó là một phần tất yếu của sự phát triển. Học hỏi từ những sai lầm của bạn, điều chỉnh cách tiếp cận và tiếp tục tiến về phía trước.
Khi gặp phải ai đó hay biện minh
Mặt khác, nếu có một đồng nghiệp hoặc bạn thân có thói quen hay viện cớ, điều quan trọng là bạn phải tiếp cận tình huống một cách tinh tế và thực hiện theo một số mẹo gợi ý như sau:
– Chọn thời gian và địa điểm: Hãy chọn ra một thời điểm mà cả hai đều có thể tham gia vào một cuộc thảo luận thoải mái mà không bị gián đoạn. Đừng nên tiếp cận đối phương khi họ đang căng thẳng hoặc có điều gì bận tâm/ cần làm.
– Thẳng thắn trong sự cảm thông: Khi bắt đầu cuộc đối thoại, hãy thể hiện rằng bạn quan tâm thực sự về thói quen biện hộ của họ – cũng như tác động của nó đến bản thân đối phương và những người xung quanh. Thay vì sử dụng những cụm từ mang tính buộc tội chung chung như “bạn luôn biện hộ” hoặc “bạn không bao giờ chịu trách nhiệm về hành động của mình”, hãy tập trung vào những hành vi cụ thể.
– Thể hiện sự đồng cảm: Chúng ta cần cố gắng hiểu lý do cơ bản dẫn tới những lời biện hộ và nỗi sợ hãi tiềm ẩn của đối phương – cũng như nhận thức về cảm xúc đằng sau đó. Ví dụ, bạn có thể thừa nhận sự căng thẳng của họ như sau, “Tôi hiểu bạn đang cảm thấy choáng ngợp trước dự án này, và tôi thực sự tin rằng bạn có đủ kỹ năng để hoàn thành xuất sắc”.
– Trung thực: Đừng tìm cách “tô hồng” hay giảm nhẹ tình tiết – thay vào đó, hãy đưa ra đánh giá trung thực về việc hành động đổ lỗi của họ ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu, hiệu suất hoặc danh tiếng của họ. Ví dụ, bạn có thể bàn về việc họ trễ hạn bằng cách nói, “Tôi hiểu là bạn có rất nhiều việc phải làm, nhưng chúng ta đã có đủ thời gian để hoàn thành báo cáo trước đó. Những lý do của bạn đang khiến cả nhóm thất vọng”.
– Đề nghị hỗ trợ: Hãy giúp đỡ hoặc đưa ra lời khuyên nếu đối phương cần, nhưng tránh đừng làm thay cho họ. Ví dụ, bạn có thể gợi ý họ xem video video trực tuyến để khắc phục những khó khăn trong công việc.
– Duy trì sự tích cực: Bạn cần nhận thức về điểm mạnh và thành tích trong quá khứ của đối phương, cũng như thể hiện niềm tin của bạn vào tiềm năng của họ. Ví dụ: “Bạn sở hữu tài năng và sự sáng tạo khiến tôi phải chú ý. Tôi biết bạn có khả năng vượt qua thử thách này, và tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn trên mọi bước đường.”
Danh ngôn về đổ lỗi cho hoàn cảnh
“Tốt hơn là không đưa ra lời bào chữa nào – còn hơn là một cái cớ tệ hại” – George Washington.
“Đừng bao giờ tự bào chữa. Bạn bè của bạn không cần đến chúng – và đối thủ của bạn thì chắc chắn sẽ không tin chúng” – John Wooden.
“Chúng ta có bốn mươi triệu lý do để thất bại, nhưng không có một lý do nào để đổ lỗi cho hoàn cảnh cả” – Rudyard Kipling.
“Một người có thể thất bại nhiều lần, nhưng anh ta sẽ không phải là kẻ thất bại chừng nào anh ta chưa đổ lỗi cho người khác” – John Burroughs.
“Khó khăn là lời bào chữa mà lịch sử không bao giờ chấp nhận” – Edward R. Murrow.
“Sẽ là khôn ngoan khi bạn hướng sự tức giận của bạn vào vấn đề – thay vì con người, và tập trung năng lượng vào tìm kiếm câu trả lời – thay vì lời bào chữa” – William Arthur Ward.
“Hãy tự chịu trách nhiệm theo một tiêu chuẩn cao hơn bất kỳ ai khác mong đợi ở bạn. Đừng bao giờ bào chữa cho bản thân” – Henry Ward Beecher.
“Thật sai lầm và vô đạo đức khi tìm cách trốn tránh hậu quả do hành động của chính mình” – Mahatma Gandhi.
“Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không phải là thiếu sức mạnh hay kiến thức, mà là thiếu ý chí” – Vince Lombardi.
Sách về hành vi đổ lỗi
No Excuses: The Power of Self-Discipline – Brian Tracy.
The Slight Edge: Turning Simple Disciplines into Massive Success – Jeff Olson.
Stop Making Excuses – Valerie Devone.
Stop the Excuses: How to Change Lifelong Thoughts – Wayne Dyer.
Lời kết
Viện cớ và đổ lỗi cho hoàn cảnh là một thói quen xấu phổ biến, ngăn trở sự tiến bộ và khả năng đạt được mục tiêu của chúng ta. Bằng cách trau dồi khả năng tự nhận thức, thách thức các định kiến cá nhân và thực hiện các bước chủ động để thay đổi, mỗi người sẽ có thể dần học cách chịu trách nhiệm cho hành động của mình, đương đầu với thử thách và định hình hành trình của chính mình.
-Vũ Trí Tuệ-