5 tháng đầu năm 2024, cả nước có 64,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
Theo thống kê, trong tháng Năm, cả nước có hơn 13,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 93,2 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 72,6 nghìn lao động, giảm 13,7% về số doanh nghiệp, giảm 47% về vốn đăng ký và giảm 23,6% về số lao động so với tháng 4/2024. So với cùng kỳ năm trước, tăng 9,2% về số doanh nghiệp, giảm 10,1% về số vốn đăng ký và giảm 2,7% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 7,1 tỷ đồng, giảm 38,5% so với tháng trước và giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 6.749 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 18,8% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cả nước có 64,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 601,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 426,4 nghìn lao động, tăng 4,5% về số doanh nghiệp, tăng 5,7% về vốn đăng ký và tăng 5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm tháng đầu năm 2024 đạt 9,3 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Nếu tính cả 666,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 18,6 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2024 là 1.268,1 nghìn tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có gần 34,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2024 lên hơn 98,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Chia theo khu vực kinh tế, 5 tháng đầu năm nay có 630 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước; 15,4 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 4,2%; 48,7 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 4,6%. Theo thống kê, doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 – 10 tỷ đồng) với khoảng 59.730 doanh nghiệp (chiếm 92,2%, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm 2023), chủ yếu thuộc nhóm ngành Dịch vụ; Công nghiệp và Xây dựng.
Một số ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023 là: Vận tải kho bãi (tăng 20,8%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 11,2%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (tăng 9,4%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 7,9%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 6,2%); Hoạt động dịch vụ khác (tăng 4,5%); Kinh doanh bất động sản (tăng 2,2%); Xây dựng (tăng 2,1%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 1,1%); Thông tin và truyền thông (tăng 0,8%).
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có 5/6 vùng trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao nhất 12,0% so cùng kỳ năm trước (gần 3.410 doanh nghiệp). Tiếp đến là các vùng Đông Nam Bộ (27,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,4%); Đồng bằng Sông Cửu Long (hơn 4,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,7%); Tây Nguyên (1,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,7%); Đồng bằng Sông Hồng (gần 20 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,6%). Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là vùng duy nhất có số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng kỳ năm 2023 với 7,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 1,0% so cùng kỳ năm 2023.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp 5 tháng năm 2024
Bên cạnh đó, trong 5 năm tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 66,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước; 23,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 8,8%; gần 8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 8,4%. Bình quân một tháng có 19,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh
Báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế – xã hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc vào nhu cầu thương mại của những nước nhập khẩu, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều rủi ro từ suy thoái toàn cầu. Do vậy, trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, hậu quả của dịch Covid-19 và các biến động phức tạp về địa chính trị kinh tế thế giới đã và đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo phản ánh của các hiệp hội và doanh nghiệp, mặc dù những tháng đầu năm có một số điểm sáng như đơn hàng đang dần khôi phục, xuất khẩu tăng…, song hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chủ yếu do: Đơn hàng đang phục hồi nhưng còn chậm; Áp lực chi phí cao, đặc biệt là chi phí vận chuyển quốc tế, giá nhập nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh; Khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó là áp lực gia tăng về các quy định, điều kiện kinh doanh bền vững, đặc biệt của các thị trường lớn; các vướng mắc về quy định pháp lý, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh…
Tại buổi thảo luận tổ về kinh tế – xã hội của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp thành lập mới, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu như: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết không đầu tư dàn trải, loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, điều chuyển vốn các dự án không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân, không để lãng phí, kém hiệu quả. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công… để thực hiện ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn.
Cùng với đó là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và giải pháp thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh phát triển các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư. Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân./